Thứ Ba, 28 tháng 5, 2013

Anh chàng Tiến sĩ

Anh chàng Tiến sĩ
Quá trình học chỉ biểu hiện của quá khứ, chỉ có năng lực học mới biểu hiện cho tương lai. Tôn trọng người có kinh nghiệm thì có thể tránh đỡ phải đi sai đường.
Có một anh tiến sĩ được phân đến làm việc ở một viện nghiên cứu, khi đến làm việc ở đó anh trở thành người có học vị cao nhất. Một hôm, anh ta đến cái hồ phía sau viện nghiên để câu cá, lúc đó hai vị viện trưởng và viện phó cũng đang ngồi câu cá. Anh ta chỉ gật đầu nhẹ, trong đầu nghĩ:  “hai người chỉ học vị đại học, có gì đáng để nói chuyện?”
Một lúc sau, vị viện trưởng buông cần câu xuống, uốn uốn người rồi bước đi trên nước như là bay ngang hồ để đến nhà vệ sinh bên kia bờ hồ. Anh chàng tiến sĩ trợn tròn mắt nhìn  rồi nghĩ: “Bay trên nước à, không thể được? Đây là một cái hồ mà?!!!” Lúc trở về, viện trưởng cũng băng qua mặt nước để trở về. “Chuyện gì xảy ra?” Anh tiến sĩ thắc mắc nhưng không thể đến hỏi, vì mình là một tiến sĩ mà! Lại qua một lúc sau, vị viện phó lại đứng dậy, đi về phía trước mấy bước, sau đó lại băng ngang qua mặt nước để qua bờ bên kia. Anh chàng tiến sĩ lại càng kinh ngạc hơn: “Không phải vậy chứ, chẳng lẽ đây là nơi tập trung những cao thủ giang hồ à?”
Lại qua một lúc sau, anh tiến sĩ lại muốn đi nhà vệ sinh. Muốn về nhà vệ sinh của viện thì phải đi bộ mất mười phút, qua bên kia hồ thì cũng phải đi vòng quanh bờ tường, làm sao? Anh ta đang phân vân, nhưng cũng không muốn đến hỏi hai vị kia. Nín được một lúc nhưng không thể chịu đựng được, anh ta đứng dậy và  định nhảy qua bên kia bờ hồ. Trong đầu anh ta nghĩ: “Mình không tin là hai người học vị đại học kia có thể đi trên mặt nước còn mình là tiến sĩ mà không đi được”. Chỉ nghe một tiếng “bùm” và anh chàng tiến sĩ đã té xuống nước. Hai vị trưởng phó viện kịp thời  lôi anh ta lên và hỏi anh ta sao lại nhảy xuống nước? Anh ta không trả lời mà hỏi  rằng: “Tại sao hai người có thể đi qua trên nước?” Hai vị trưởng phó viện cười lớn: “Trong hồ này có hai thanh gỗ nối giữa hai bờ, do vì hai hôm nay nước dâng cao nên bị che mất. Chúng tôi biết vị trí của thanh gỗ nên có thể đạp trên nó mà đi qua. Sao anh không hỏi chúng tôi?!!!”
*Lời tâm đắc:
Quá trình học chỉ biểu hiện của quá khứ, chỉ có năng lực học mới biểu hiện cho tương lai. Tôn trọng người có kinh nghiệm thì có thể tránh đỡ phải đi sai đường.
Hạnh Giải trích dịch

Thứ Hai, 29 tháng 4, 2013

AN TOÀN VÀ CAO QUÍ CHO BẠN


AN TOÀN VÀ CAO QUÍ CHO BẠN
Sống ở giữa đời, bạn đứng trước người, sẽ bị người ghét; bạn đứng sau người sẽ bị người khinh; bạn đứng ngang người sẽ bị người nghi, vậy bạn đứng ở đâu cho được an toàn?
Nếu bạn đứng trước người với tâm ganh đua và cao ngạo, bạn không những bị người ghét mà còn bị nguy hiểm đến tánh mạng, nhưng nếu bạn đứng trước người với tâm khiêm tốn, chắc chắn bạn không bị người ghét mà được người thương và ủng hộ. Nếu bạn đứng sau người với tâm mặc cảm hay bợ đỡ, thì bạn không những bị người khinh mà còn bị người ghét bỏ, nhưng nếu bạn đứng sau người với tâm khiêm tốn, nhường nhịn và yểm trợ cho cái yếu của người, thì chính bạn đang đứng sau người trên thực tế, nhưng ở mặt nhân cách và đạo lý bạn đã đứng cách người ở phía trước rất xa và an toàn.
Nếu bạn đứng ngang người với tâm ganh đua và chờ đợi cơ hội, bạn không những bị người nghi ngờ, mà bạn còn bị người ra tay trước khi bạn có cơ hội hành động, nhưng nếu bạn đứng một bên người với sự đồng cảm, hỗ trợ, chia sẻ, tin tưởng và cùng nhau biết nhìn về một hướng cho cái chung, thì việc đứng một bên của bạn không phải là một bên mà nó đang đứng một cách an toàn trong tâm hồn và việc làm của nhau.
Vậy, bạn đứng bất cứ ở đâu với tâm hiểu biết, khiêm tốn, chân tình, tin tưởng, vị tha và thương yêu là ở đó có sự an toàn và cao quí cho bạn.


http://www.thuviencophap.org/

Thứ Ba, 16 tháng 4, 2013

QUYỀN TỨC GIẬN


QUYỀN TỨC GIẬN




Gary là một người trung niên, ăn mặc lịch sự, làm việc cho một công ty buôn bán chứng khoán lớn ở New York, ông tham dự buổi diễn thuyết về đề tài: “Chinh Phục Sự Nóng Giận”. Khi tôi vừa dứt lời, ông đã giơ tay phát biểu ý kiến và nói lớn bằng một giọng vô cùng tức giận:
• Dĩ nhiên ai chẳng biết sự giận dữ không tốt cho tình trạng sức khỏe nhưng cuộc đời đầy dẫy những bất công này, người ta CÓ QUYỀN TỨC GIẬN MỘT CHÚT CHỚ. Tháng trước chủ tôi đã thăng chức cho một phụ nữ rất trẻ lên địa vị cao hơn tôi. Kinh nghiệm của cô này chỉ bằng một nửa của tôi vậy mà lương cô ta lại gấp đôi lương của tôi. Khi biết điều này tôi đã nổi nóng, dĩ nhiên tôi biết sự ghen tỵ không tốt nhưng bà hãy nghĩ xem tình đời “ Khốn Nạn” như vậy đó, một đứa “ Con Nít Hỉ Mũi Chưa Sạch” mà được đặt vào địa vị rất cao, có số lương bổng rất hậu. Một địa vị mà người nhiều kinh nghiệm lỗi lạc như tôi đã cố gắng bao năm vẫn chưa đạt được. Nghĩ cho cùng trong trường hợp này TÔI CÓ QUYỀN tức giận chứ?
Này ông bạn, cách đây vài hôm tôi đã đọc trên báo một chuyện như sau: Có một phụ nữ kia cãi lộn với chồng. Họ đã sử dụng danh từ tục tằn thô bạo nhất với nhau. Sau một lúc cãi vã, người chồng giận dữ bỏ đi sau khi đập mạnh cánh cửa như muốn lôi xập căn nhà. Phụ nữ nọ tiếp tục ngồi lải nhải chửi rủa thêm mấy tiếng đồng hồ cho đến khi phải cho con bú. Vừa bú mẹ xong vài giờ, đứa nhỏ ba tháng đã xám ngắt, làm kinh rồi tắt thở chết. Cuộc khám nghiệm cho biết đứa nhỏ chết vì nhiễm độc. Này anh bạn, Y học đã chứng minh rằng khi giận dữ, độc tố từ các hạch nội tiết có thể chảy vào huyết quản – HUYẾT QUẢN CỦA ANH CHỚ KHÔNG PHẢI CỦA NGƯỜI CHỦ ANH HAY CÔ BẠN ĐỒNG NGHIỆP CUẢ ANH. Khi anh tức giận, số lượng Bạch Huyết Cầu có thể giảm sút một cách nhanh chóng và khi quá thấp nó sẽ làm hư hại đến hệ thống miễn nhiễm (Immune System) của cơ thể – HỆ THỐNG MIỄN NHIỄM CỦA CƠ THỂ ANH CHỨ KHÔNG PHẢI CỦA NGƯỜI CHỦ ANH HAY CÔ BẠN ĐỒNG NGHIỆP. Tóm lại, chính sự tức giận của anh đã tàn phá cơ thể của chính anh, hủy hoại cuộc đời của anh chớ không phải người khác. Tức giận có khác gì một hình thức tự tử đâu? NÀY ANH BẠN, BÂY GIỜ ANH ĐÃ THẤY TẠI SAO ANH CÓ QUYỀN KHÔNG TỨC GIẬN CHƯA?
Trích: Minh Triết Trong Đời Sống
Diễn giả: Darshani Deane
Dịch giả: Nguyên Phong

Chủ Nhật, 23 tháng 12, 2012

Bậc chân tu


Bậc chân tu

Huỳnh Văn Úc
Tôi tình cờ gặp lại Nghĩa ở Kim Liên Tự, một ngôi chùa nhỏ bình dị nằm ở cuối làng. Nghĩa? Bây giờ tôi phải gọi Nghĩa là sư thầy, chỉ đứng dưới sư cụ trụ trì một bậc, có trách nhiệm trông coi mọi mặt công việc trong nhà chùa, từ việc đôn đốc các chú tiểu làm vườn đến nhận tiền công đức, ghi chép sổ sách cũng như tổ chức những khoá lễ giải hạn. Nghĩa bây giờ là một người đàn ông ngấp nghé sáu mươi với cái đầu cạo trọc và bộ quần áo nâu sồng. Còn Nghĩa ngày ấy, những ngày cùng công tác với tôi ở Binh trạm 31 Trường Sơn là một đoàn viên Thanh niên lao động ngoài hai mươi tuổi, vui vẻ yêu đời và chấp nhận mọi thách thức khó khăn. Địa bàn mà Binh trạm phụ trách kéo dài hơn một trăm cây số từ đèo Mụ Giạ đến Lùm Bùm. Trong biên chế của Binh trạm có hai tiểu đoàn công binh, hai tiểu đoàn ô tô vận tải, một tiểu đoàn cao xạ, một tiểu đoàn giao liên, ba đại đội kho, hai đại đội bộ binh…Tôi và Nghĩa là chiến sĩ cùng tiểu đội ở đại đội bộ binh, hơn nữa lại cùng sinh hoạt chung một tổ tam tam, con chấy cắn đôi, những chuyện tâm tình qua những lá thư hiếm hoi lắm mới nhận được Nghĩa đều thủ thỉ với tôi. Ngày ấy trước khi lên đường vào chiến trường Nghĩa đã có người yêu, ngày chia tay người con gái đã khóc để nước mắt thấm đẫm hai vai áo anh con trai. Sau ngày chia tay sáu năm anh con trai trở về thì người yêu đã con bế con bồng. Thất vọng và buồn chán, sau khi đã ngộ ra rằng đời là bể khổ tình là dây oan anh theo người chú là một nhà sư vào chùa làm chú tiểu. Và bây giờ là sư thầy, thầy Nghĩa chỉ đứng dưới sư cụ trụ trì một bậc. Ngày rời quân ngũ Nghĩa đã là đảng viên, đến bây giờ vẫn sinh hoạt Đảng và là chi ủy viên của chi bộ thôn.
Tôi và sư thầy ngồi đối ẩm bên chiếc bàn gỗ đánh vecni màu mận chín. Tôi thật không ngờ sư thầy lại thông hiểu giáo lý nhà Phật một cách uyên thâm đến thế. Thầy nói với tôi:
-Dục bình thiên hạ, tiên trị kỳ quốc, dục trị kỳ quốc, tiên tề kỳ gia, dục tề kỳ gia, tiên tu kỳ thân, dục tu kỳ thân, tiên chánh kỳ tâm. Nghĩa là: muốn cho thiên hạ được thái bình thì mỗi nước phải được thịnh trị; muốn cho nước được thịnh trị thì gia đình phải hoà thuận; muốn cho gia đình hoà thuận thì mỗi người phải sửa đổi hành vi bất chính nơi thân mình; muốn sửa đổi hành vi bất chính thì trước hết phải tự tu lấy tâm mình.
Người đời sớm phải tri cơ
Gương mờ vì bụi, trăng mờ vì mây
Chở che nhờ đức cao dày
Dẫu tu cho mấy chẳng tày tu tâm.
- Mô Phật! Tu tâm bắt đầu từ đâu?
- Bắt đầu từ tận diệt tam độc là tham sân si, rồi giữ ngũ giới. Tham sân si là tai hoạ vô cùng và bất tận của con người. Lòng tham là cái hang không cùng, cái túi không đáy, không biết đến đâu là đủ. Chưa giàu có, tham lam muốn giàu có, đã giàu có tham lam muốn giàu có hơn nữa bất chấp đồng loại, bất chấp luân thường đạo lý và pháp luật. Lòng tham là nguyên nhân sâu xa đẻ ra tham nhũng, một thứ giặc nội xâm tàn phá đất nước.
- Mô Phật! Trong giáo lý nhà Phật khó hiểu nhất là luận về sắc và không. Tại sao lại nói “ sắc tức thị không, không tức thị sắc ?”.
- Câu này có trong Bát nhã ba la mật đa tâm kinh của Phật giáo Đại thừa. “ Xá lợi tử, sắc bất dị không, không bất dị sắc, sắc tức thị không, không tức thị sắc. Thọ, Tưởng, Hành, Thức diệc phục như thị”. Tôi nói thế này cho nó dễ hiểu, như thân của ta là do tứ đại đất,  nước, gió, lửa hợp lại mà thành, đủ duyên thì tứ đại hợp nên thân này tức là sắc. Hết duyên thì thân này tan rã, tứ đại lại trả về cho tứ đại tức là không. Thọ là cảm giác, Tưởng là tư tưởng, Hành là tâm lý vui buồn thương ghét, Thức là nhận thức của con người. Thân này còn thì Thọ Tưởng Hành Thức còn. Hết duyên không còn thân nữa thì Thọ Tưởng Hành Thức cũng không tồn tại. Anh đã hiểu được phần nào chưa?
Chiều đã muộn, ánh nắng đã tắt. Thầy mời tôi dùng bữa trong gian nhà khách của chùa. Trên bàn ăn là một mâm cỗ đậy lồng bàn. Dưới gầm bàn quanh quẩn một con chó mực. Tôi hỏi sư thầy:
- Mô Phật! Con chó có Phật tánh không?
Sư thầy đáp:
- Tất cả chúng sinh đều có Phật tánh vậy con chó cũng có chứ sao lại không? Trong sách Triệu Luận có câu: “Hội vạn vật vi tự kỷ” nghĩa là muôn loài như chính mình. Nhưng thôi! Trong buổi gặp mặt vui vẻ với cố nhân hôm nay ta không bàn đến chuyện con chó có Phật tánh hay không mà hãy nâng cốc mừng cuộc hội ngộ.
Khi chiếc lồng bàn được sư thầy nhấc ra tôi trông thấy trên mâm có đĩa đựng lá mơ tam thể để lẫn với hành sống, húng chó, vài quả ớt chín đỏ và hai chiếc bánh đa nướng giòn. Tôi nâng chén rượu trong suốt, sóng sánh và thơm ngát chạm cốc với nhà sư, chiêu một ngụm rồi gắp một miếng thức ăn đặt vào bát của mình. Chưa biết bên trong có gì, nhưng bên ngoài là một bông sen. Cắn làm đôi mới biết bên trong có thịt. Tôi hơi ngần ngừ một chút rồi mới hỏi:
- Thịt này là…
- Thịt chó. Thịt chó ướp gia vị riềng mẻ đặt vào giữa bông sen, bó lại rồi đem đồ cho chín dừ. Vừa có vị bùi và ngậy của thịt chó, vừa có vị chát của nhựa sen và hương thơm thoang thoảng của hoa sen. Lâu lắm mới gặp lại bạn cố tri nhà chùa đãi bạn món ăn chay tịnh này.

trannhuong.com

Thứ Hai, 17 tháng 12, 2012

Tu là bỏ cái giả nhận ra cái thật


Khi Đức Phật Thích Ca Mâu Ni thành đạo dưới cội bồ đề, thởi gian đầu Ngài chần chờ không muốn truyền bá giáo pháp. Đến khi chư Thiên xuống đảnh lễ, cầu xin Ngài nên vì chúng sanh mà lập bày phương tiện giáo hóa. Lúc trước đọc sử tới đoạn này tôi hơi ngạc nhiên. Vì Đức Phật phát thệ nguyện lớn, thị hiện nơi đời để độ chúng sanh, sao bây giờ thành Phật rồi, Ngài không chịu đi truyền bá Chánh pháp, đợi năn nỉ mới chịu thuyết pháp.

Về sau nghiên cứu kỹ tôi mới thấy rõ, quả là chỗ Đức Phật thấy, Đức Phật không thể nói cho người thế gian hiểu. Tại sao? Bởi vì chỗ đó ngược hẳn với cái thấy của người phàm tục, nên làm sao giảng cho họ hiểu được. Vì vậy Phật không muốn nói. Khi chư Thiên nài nỉ Phật dùng phương tiện giáo hóa chúng sanh, từ từ sẽ có người hiểu; Phật xét thấy điều này hợp lý nên kể từ đó mới chuyển bánh xe Đại pháp.
 HT. Thích Thanh Từ
HT. Thích Thanh Từ
Bài pháp đầu tiên ở vườn Lộc Uyển là bài Tứ đế, nói đủ là Tứ diệu đế. Lâu nay người học Phật xem đây là chân lý đầu tiên, Đức Phật trình bày rất đúng, rất thật. Nhưng đó là phương tiện, chớ không phải chỗ cứu kính chân thật. Nếu quý vị có đọc kinh Kim Cang, kinh Viên Giác sẽ thấy Phật dạy rằng: Pháp của Phật như con thuyền hay chiếc bè đưa người qua sông. Khi lên bờ rồi phải bỏ chiếc bè. Kinh Viên Giác nói, ví như người muốn thấy mặt trăng ở đâu? Người bạn thấy được liền lấy tay chỉ bảo “mặt trăng ở đó”. Nương theo ngón tay người kia nhìn thấy mặt trăng. Khi thấy mặt trăng rồi ngón tay là vô nghĩa. Cũng thế, pháp của Phật dạy là phương tiện, giống như ngón tay để chỉ cho chúng ta đi tới chỗ chân thật. Chỗ chân thật ví như mặt trăng, đạt được chỗ chân thật rồi thì phương tiện phải bỏ.

Chúng ta nên biết pháp Phật là phương thuốc trị lành tâm bệnh cho chúng sanh. Bệnh lành thì thuốc phải bỏ. Giả sử bây giờ chúng ta bị sốt rét phải uống thuốc sốt rét. Khi bệnh đã lành hoàn toàn, nếu thấy thuốc hay quá tiếp tục uống nữa thì sao? Bệnh trở lại. Cho nên bệnh lành rồi phải bỏ thuốc.

Pháp của Phật dạy là tùy bệnh cho thuốc. Chúng sanh có bệnh nào Phật cho thứ thuốc ấy. Ví dụ người tham ái nhiều, Phật dạy phương thuốc quán bất tịnh. Thấy thân nhơ nhớp quá sanh gớm nên hết tham ái. Người hiếu danh nhiều Phật dạy quán vô thương, danh vọng được rồi sẽ mất, chớ không bền, nhờ quán như thế nên bớt hiếu danh. Từng phương thuốc trị từng bệnh cho chúng sanh. Nhưng tất cả đều là phương tiện chớ không phải cứu kính. Ban đầu Phật dùng phương tiện dẫn dắt chúng ta từ từ đi tới kết quả là cứu kính. Thế nên muốn đến chỗ cứu kính, trước phải qua phương tiện, nhưng đạt được cứu kính rồi thì phải bỏ phương tiện.

Chúng ta ngày nay cứ đem kinh đọc cho Phật nghe hoài, cho đó là tu kỹ. Ngày nào cũng đem kinh ra đọc mà không hiểu được ý Phật dạy. Học kinh để hiểu, hiểu để tu chớ không phải đem đọc cho Phật nghe. Phật tử chẳng những đọc cho Phật nghe, mà còn tính bộ với Ngài nữa. Quả thật là một sai lầm đáng thương!

Phật tử có ai tập ngồi thiền rồi, mới thấy tâm mình lăng xăng lộn xộn thế nào. Cho nên ngài Huệ Khả xin pháp an tâm là điều hợp lý vô cùng. Chúng ta cũng giống hệt vậy thôi. Nhưng câu trả lời của Tổ dường như hơi ngược ngạo, dạy pháp an tâm mà lại bảo “đem tâm ra ta an cho”. Chính chỗ này ngày xưa tôi cứ ngỡ dường như Tổ đùa chơi vậy. Người ta tha thiết học hỏi, mà Tổ lại như đùa, không ngờ ngài Huệ Khả lãnh hội được. Đó là điều chúng ta thấy khó hiểu. Sau này khi nhập thất tu, đọc lại sử, tôi mới giật mình thấy cái ngu trước. Bởi vì chúng ta bị si mê nên mãi chìm trong sanh tử. Si mê cái gì? Si mê chấp thân này là thân mình thật, tâm này là tâm mình thật. Hai cái si mê này khiến chúng ta cứ tạo nghiệp, đi mãi trong sanh tử.

Hiện giờ quý vị đều thầm đồng ý thân này thật nên mới quý, mới lo đủ thứ cho nó. Ví dụ có hai người đối trước món đồ giả, một người nói thật, một người nói giả. Vậy trong hai người đó, ai ngu ai trí? Giả mà tưởng thật là ngu, còn giả biết giả là trí. Vậy tôi đặt câu hỏi lại, thân này là thật hay giả? Giả. Nếu quý vị chỉ thấy cái giả theo câu hỏi của tôi, thì khi ra khỏi giảng đường này sẽ thấy nó thật hết. Đó là chỗ mê lầm của chúng ta.

Như quý vị đang ngồi nói chuyện chơi với người thân, bất thần người ấy đứt gân máu ngã xuống tắt thở. Khi còn nói chuyện ta gọi đó là thật, đến lúc tắt thở mới biết nó giả. Nếu thật thì lúc nào cũng thật, trước sau cũng thật. Mọi người khi còn đi đứng, nói năng đều cho là thật, đến chừng ngã ra chết ai cũng bảo giả hết. Như vậy là sao? Chẳng lẽ nửa thật nửa giả. Thật ra trong giả có thật mà chúng ta không biết, nên lầm cho nó hoặc toàn giả hoặc toàn thật.

Chúng ta thử xét lại xem, hiện giờ mình sống đây, lỗ mũi đang thở. Hít vô là mượn không khí bên ngoài vào. Thở ra là trả không khí ra ngoài. Hít vô thả ra đều đều thì sống. Hít vô mà không trả ra được, trả ra mà không hít vô thì chết. Như vậy thật ở chỗ nào? Nếu thật thì khỏi mượn, đã mượn thì không thật. Một lát mượn tách nước, chút xíu lại trả ra. Đem vô trả ra. Đem vô được mà trả ra không được thì đi cấp cứu. Mượn trả đều đặn thì yên, không đều đặn không yên. Lâu hơn nữa thì mượn chén cơm. Mượn rồi cũng phải trả. Rõ ràng thân này sống bằng sự vay mượn liên tục. Đã vay mượn mà nói thật thì biết trí tuệ chúng ta tới cỡ nào? Chẳng lẽ mình ngu hết sao! Thế mà ra đường ai nói ngu đâu có chịu, trong khi thực sự mình ngu quá chừng? Nói thế để thấy chúng ta đang mê lầm. Từ mê lầm đuổi theo thân, lo cho nó, rốt cuộc rồi cũng mất. Như vậy có đáng thương không?

Đức Phật giác ngộ thấy thân này là giả, do đất, nước, gió, lửa hợp lại thành. Chất cứng là đất, chất ướt là nước, động là gió, ấm là lửa. Bốn thứ này đem vô trả ra. Còn mượn mà không trả ra thì chết. Như vậy ta có thân này, chẳng qua là cuộc sống vay mượn. Đó là điều thứ nhất.

Thứ hai, quý vị thường cho những suy nghĩ phân biệt là tâm mình. Vì thế buồn, thương, giận, ghét… đều là tâm ta. Nói “tôi buồn quá” thì buồn là tôi. Tôi vui, tôi giận, tôi ghét… tất cả là tôi hết. Cả trăm thứ, biết cái nào là tôi thật? Nên không có cái tôi thật. Như ta đang có chuyện buồn, bất thần một người bạn tri kỷ từ xa về, gặp lại nhau mình vui liền. Như vậy buồn không thật, nếu thật khi vui đến buồn đi đâu? Như vậy vui buồn không phải thật mình, chỉ là cái tạm bợ qua mất, mà ta lại chấp nó là tâm mình. Từ chấp đó, ta nghĩ việc này phải làm như thế này mới đúng, làm khác là sai. Nếu ai đề nghị khác mình, hoặc phản đối ý kiến nghĩ của mình, ta sẽ nổi nóng liền. Bởi chấp tâm suy nghĩ là mình, nên phiền não phát sinh.

Song chúng ta thử hỏi lại, những suy nghĩ của mình có đúng trăm phần trăm không? Nếu ai cũng nghĩ đúng trăm phần trăm thì bây giờ nhà toàn cả chục tầng, chớ không phải một hai tầng. Vì khi nghĩ đúng khi nghĩ trật, nên làm ăn mới thất bại. Cuộc đời này thất bại nhiều, thành công ít, chứng tỏ con người nghĩ sai nhiều, nghĩ đúng ít. Vậy mà ai cũng cố chấp cái nghĩ của mình là đúng, rồi sanh buồn giận, thương ghét đủ thứ hết.

Lại nữa, những khi ta khởi nghĩ thì thấy có nói, nhưng khi không nghĩ nó ở đâu? Tìm không ra. Không có chỗ, không có hình tướng nên biết nó không thật. Lúc ngồi thiều, ý cứ nghĩ lăng xăng hoài, ta bực mình nói tâm bữa nay xao động quá. Như thế cho cái nghĩ lăng xăng xao động ấy là tâm mình. Phật bảo đây là kẻ mê.

Chúng ta hiện giờ đang cố chấp, đang mê trong sự sai lầm, vì vậy tu rất khó. Chấp thân thật nên gặp điều trái ý nổi giận đùng đùng. Do đó khổ cả ngày. Chừng nào thấy được thân không thật, tâm không thật chúng ta sẽ sống thảnh thơi. Mỗi người đều có quyền thấy khác mình, nên ai làm trái ý ta không giận. Hiểu như vậy là giải thoát nhiều rồi.

Phật thường dạy nếu chúng ta có nghĩ điều gì nên nói: “đây là cái nghĩ của tôi”. Đừng nói cái nghĩ của tôi đúng, thêm chữ “đúng” thì có chuyện. Bởi vì hai cái đúng ngược nhau chúng ta vẫn thấy dễ chịu, có khi còn trao đổi ý kiến để rút kinh nghiệm thêm. Sống trên tinh thần ấy thì hay quá. Nên người sáng suốt muốn tìm chân lý phải thấy rõ như vậy. Tâm không thật biết nói không thật, là người trí, người giác rồi. Thế nên biết ngồi yên tĩnh tu không làm gì hết, không phải vô ích, thật ra việc ấy có lợi ích lớn lao vô cùng.

Vì vậy chúng tôi dạy tu thiền, chỉ dẫn quý vị ngồi yên tịnh nhìn lại xem niệm khởi từ đâu. Nó vừa dấy lên, ta biết vọng tưởng hư dối không theo, cứ thế công phu. Mới nghe thấy đơn giản, không có giá trị gì, nhưng thật ra chúng ta đang làm một việc lớn, đó là phá sai lầm muôn đời của mình. Thấy rõ các tư tưởng sanh diệt liên tục, tạm bợ hư dối, không theo nó thì nó phải chịu thua mình. Đó là pháp an tâm của nhà thiền. Nói pháp nhưng thật ra không có pháp gì cả. Thiền tông chủ trương không có một pháp dạy người, chỉ dùng trí mình soi lại để thấy cái thật cái hư nơi mình. Đó là điều thiết yếu.

HT. Thích Thanh Từ (Thiền viện Trúc Lâm Đà Lạt)

Thứ Tư, 12 tháng 12, 2012

Làm gì để luôn may mắn trong sự nghiệp?


Làm gì để luôn may mắn trong sự nghiệp?


Nhiều người tin rằng thành công của họ một phần là do họ có một chút may mắn: cơ hội gặp mặt một nhà đầu tư tiềm năng, nắm bắt được một số cơ hội kinh doanh hay vô tình nảy ra một ý tưởng độc đáo.
Một nghiên cứu mới đây của mạng xã hội LinkedIn cho thấy 84% trong số 7.000 người có công việc ổn định tin rằng may mắn sẽ giúp họ phát triển nghề nghiệp.
May mắn là điều mà không ít người mơ ước. Nhưng thực tế, may mắn không phải là một môn khoa học chính xác, cũng không phải là một khái niệm dễ xác định. Chúng ta không thể dự đoán vận may sẽ đến với mình lúc nào, nhưng chắc chắn có cách để nuôi dưỡng nó.
Dưới đây là một vài lời khuyên giúp bạn luôn gặp may mắn và thuận lợi trong công việc:
 
1. Hãy khiêm tốn
 
Để thường xuyên gặp may, hãy cố gắng gia tăng ảnh hưởng của bạn và cách tốt nhất để làm điều đó là phát huy tính khiêm nhường.
Mọi người có thể nhầm lẫn người khiêm nhường với người nhu nhược. Để tránh điều này, bạn cần giữ sự kiên định trong các quyết định và thể hiện sự khiêm tốn trong các mối quan hệ.
Bạn có thể có nhiều bạn bè hơn trong hai tháng bằng cách quan tâm đến người khác so với việc bạn mất hai năm để có được sự quan tâm của những người xung quanh.
 
2. Hăng hái làm việc
 
Điều này có vẻ đúng với những người hay gặp may. Theo kết quả điều tra của LinkedIn, gần 70% những người được khảo sát cho biết thái độ làm việc nghiêm túc và nhiệt tình mang lại nhiều may mắn, nhưng để làm việc hiệu quả, bạn cần có tay nghề cao.
Gần một nửa số người được hỏi trong cuộc khảo sát này cho biết, các kỹ năng đa dạng giúp họ thường xuyên gặp may mắn trong sự nghiệp.
 
3. Hãy rộng lượng
 
Luôn giữ tinh thần của sự rộng lượng và phát huy nó một cách hợp lý. Hãy sẵn lòng hướng dẫn và hỗ trợ những người xung quanh, tham gia các hoạt động xã hội, không nên tiết kiệm lời ơn và làm những việc mà không quá suy nghĩ đến lợi ích cho bản thân. Bạn hãy cho đi để nhận lại, và quan trọng nhất, rộng lượng giúp bạn sống vui vẻ.
 
4. Luôn sẵn sàng
 
May mắn có thực sự đem lại lợi ích cho bạn? Chúng ta không thể dự đoán khi nào may mắn sẽ đến, và để tận dụng dịp may hiếm có, bạn phải luôn sẵn sàng.
Bill Gates là một ví dụ. Tác giả Jim Collins viết trên tờ New York Times: "Hàng ngàn người có thể làm điều tương tự như Bill Gates đã làm lúc ông mới khởi nghiệp, nhưng họ đã không làm được... Không nhiều người trong số họ thay đổi được cuộc đời mình: có những đêm Bill Gates gần như không ngủ, không để giờ ăn chiếm mất giờ làm việc, chống đối cha mẹ, bỏ học và chuyển tới Albuquerque để làm việc với Altair. Đó không phải là may mắn mà là sẵn sàng tận dụng mọi cơ may”.
 
5. Tin vào bản năng
 
Không có ví dụ nào tốt hơn Steve Jobs để chứng minh tại sao tin tưởng vào bản năng là cách tốt nhất để đảm bảo vận may của bạn trong tương lai.
Trong bài phát biểu nổi tiếng của Jobs tại Đại học Stanford, ông nói: "Tôi muốn nói với các bạn rằng, chúng ta không thể biết những điểm mốc có nối kết với nhau trong tương lai không, các bạn chỉ có thể biết những điều đó khi nhìn lại mà thôi. Vì thế, các bạn hãy tin tưởng rằng, theo một cách nào nó, những điểm mốc sẽ nối kết với nhau trong tương lai của bạn. Các bạn cũng cần phải tin vào một số thứ khác như: sự quyết tâm, vận mệnh, cuộc sống, nhân quả hoặc bất cứ cái gì. Phương pháp đó chưa bao giờ làm tôi thất vọng và nó đã tạo ra những thay đổi trong cuộc sống của tôi".
 
Thêm vào đó, theo khảo sát của LinkedIn, gần một nửa số người được hỏi công nhận rằng sử dụng trực giác là một nhân tố quan trọng giúp đem lại may mắn.
 
6. Luôn tin rằng bạn là may mắn
 
Một nghiên cứu gần đây từ giáo sư tâm lý học Richard Wiseman tại Đại học Hertfordshire đã phát hiện ra, chỉ cần tin rằng bạn may mắn thì bạn có thể tạo ra kết quả tích cực.
 
Ông chia hai nhóm khảo sát: một nhóm tự nhận mình "may mắn" và nhóm khác tự coi mình "không may". Ông cho hai nhóm một tờ báo và yêu cầu tất cả mọi người đếm số hình ảnh có trong báo càng nhanh càng tốt. Những người may mắn trở lại với câu trả lời chỉ trong vài giây, nhanh hơn nhiều hơn so với nhóm không may mắn. 
 
Tại sao? Vì trên trang hai của tờ báo là một quảng cáo có dòng chữ "Dừng đếm - Có 43 bức ảnh trong tờ báo này".
Wiseman kết luận: "Những người không may mắn bỏ lỡ cơ hội bởi vì họ quá tập trung tìm kiếm một cái gì đó. Khi đi tiệc, họ chỉ tập trung tìm một người hộ tống hoàn hảo bỏ lỡ cơ hội làm quen với những người bạn tốt. Họ đọc báo để kiếm một công việc hay một quảng cáo nhất định và kết quả là bỏ lỡ các thông tin giá trị khác. Những người may mắn thoải mái và cởi mở hơn nên họ quan tâm tới tất cả và những gì đang có, chứ không chỉ tìm kiếm những gì họ dự định".
 
Nguồn: doanh nhân sài gòn